Nhảy việc với người lao động là một cơ hội mới, nhưng đối với nhà quản trị nhân sự chính là mất đi một tài sản của doanh nghiệp. Không ai trong chúng ta muốn mất đi tài sản của mình. Do đó, thay vì “thuận theo tự nhiên”, hãy luôn có những phương án ứng phó trước khi làn sóng nhảy việc này thực sự kéo đến.
Đừng để nhân viên “nhảy việc” chỉ vì doanh nghiệp lơ là
Hiểu lý do thực sự dẫn đến việc nhân viên nhảy việc
Người ta hay ứng dụng “nguyên lý tảng băng trôi” vào những việc mà ý nghĩa của nó không được thể hiện rõ trên bề mặt, mà chủ yếu nằm ở phần chìm đang bị ẩn đi. Đôi khi, câu chuyện nhảy việc của nhân viên cũng chính là tảng băng trôi ấy, bạn chỉ biết được phần nổi trên bề mặt mà thôi. Thậm chí người trẻ vẫn chọn nhảy việc ngay cả trong mùa dịch, đôi khi có những thứ còn quan trọng hơn sự ổn định tạm thời tại một công ty nào đó trong lúc kinh tế khó khăn.
Ngày nay, việc làm không còn là cơ chế “xin-cho”, người lao động được tự do tìm kiếm thông tin và có quyền lựa chọn cho mình một công việc, công ty phù hợp để có thu nhập, cống hiến và phát triển. Không chỉ duy nhất tiền lương, người lao động còn kỳ vọng nhiều thứ khác: được học hỏi, được trải nghiệm, được chứng tỏ bản thân, được trao quyền, văn hóa doanh nghiệp… Tất cả những điều này chính là sự chăm sóc của doanh nghiệp đối với nhân viên của mình.
Đặt quan điểm xem trọng các trải nghiệm của nhân viên, các nhà lãnh đạo sẽ dễ nhìn thấy những “lỗ hổng” của mình trong việc chăm sóc nhân viên hơn. Hãy xem nhân viên cũng như những khách hàng của doanh nghiệp, khi doanh nghiệp có những nhân viên hạnh phúc thì chắc chắn việc giữ chân nhân viên trước làn sóng nhảy việc cũng sẽ dễ dàng hơn.
Bằng việc tương tác qua những hoạt động team building, các khảo sát nội bộ doanh nghiệp, các đóng góp và quan điểm của nhân viên sẽ được ghi nhận. Từ đó có thể thấy rằng, một doanh nghiệp đang thực sự sở hữu những nhân viên hạnh phúc hay không, và nhà quản trị nên thay đổi điều gì.
Đừng lơ là đối thủ trong “cuộc chiến” về nhân tài
Đôi khi chúng ta quá quen với việc tìm hiểu các hoạt động của đối thủ về việc có được nhiều khách hàng mà quên mất đi rằng mình vẫn còn nhiều đối thủ trong thị trường tuyển dụng. Khi một công ty muốn “săn” người của bạn, họ sẽ cố gắng mang đến cho nhân viên những hứa hẹn về trải nghiệm và phúc lợi tốt hơn so với những gì bạn đang mang đến cho nhân viên của mình. Do đó, thay vì ngồi yên, doanh nghiệp có thể lựa chọn việc sẵn sàng cho những thay đổi cần thiết trong chính sách nhân sự của mình để đảm bảo nhân tài luôn được mang đến những điều tốt nhất.
Phúc lợi và đãi ngộ luôn được ứng viên quan tâm
Các nhà lãnh đạo có thể lập ra một danh sách thông tin những hoạt động của đối thủ trong việc thu hút nhân tài như mức lương thị trường, các phúc lợi khác biệt, các hoạt động tương tác của nhân viên, văn hóa doanh nghiệp… và thường xuyên cập nhật những hoạt động này để đảm bảo không mất đi cơ hội cạnh tranh của mình trong thị trường tuyển dụng.
Tạo nên những cách chăm sóc nhân viên độc đáo
Doanh nghiệp có thể sáng tạo riêng cho mình những cách chăm sóc nhân viên độc đáo, đó có thể là một điểm nhấn thú vị, không chỉ là để giữ chân nhân viên mà còn là một “công cụ” thu hút thêm nhiều nhân tài đến doanh nghiệp của bạn.
Bạn có tin rằng, có một công ty trả thêm tiền cho nhân viên ngủ đủ giấc? Bạn không nghe nhầm đâu, nhân viên của tập đoàn bảo hiểm y tế Aetna (Mỹ) sẽ nhận thêm vào thu nhập 1,25 USD cho mỗi buổi tối ngủ được hơn 7 tiếng. Sự linh hoạt và sáng tạo trong cách chăm sóc nhân viên đôi khi cũng chính là sợi dây liên kết để nhân viên của bạn không bị làn sóng nhảy việc cuốn phăng mất.
Một số công ty tập trung chủ yếu các chính sách của họ trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân viên bằng các chính sách đặc biệt về bảo hiểm và các chương trình tư vấn về sức khỏe. Thay vì thế bạn cũng có thể chăm sóc nhân viên của mình bằng cách thể hiện thông qua những bữa ăn ngon.
Không chỉ đi làm để kiếm tiền, để có cơ hội học hỏi mà người lao động còn cần cảm thấy gắn kết nơi họ đang cống hiến
Nhìn chung, các đề xuất giá trị nhân viên sẽ mang lại những “lời hứa” về sự chăm sóc của doanh nghiệp với nhân viên của mình, nhưng cụ thể từng chương trình triển khai cũng cần sự sáng tạo của những nhà quản trị doanh nghiệp trên tinh thần hiểu rõ kỳ vọng của nhân viên.
Việc ổn định nguồn nhân lực đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển bền vững của tổ chức. Nếu đã “tiên đoán” về những làn sóng nhảy việc sẽ đến, thay vì ngồi yên tại sao các nhà quản trị lại không tạo cho mình thế chủ động để ứng phó?
Luôn ghi nhớ 3 việc trên chắc chắn sẽ giúp các nhà quản trị có những kế hoạch cụ thể để bảo vệ nguồn nhân lực cho chính doanh nghiệp của mình.